Tỉnh ta có hệ thống giao thông đường thủy rất đa dạng, tổng chiều dài 536km sông, kênh với 4 tuyến sông chính gồm: sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy với tổng chiều dài 253,5km; 15 sông địa phương với tổng chiều dài 268km (có 2 sông là sông Vọp dài 15km; sông Múc dài 26,5km đã được UBND tỉnh công bố luồng tuyến, đưa vào khai thác); trên chiều dài 72km bờ biển có 4 cửa sông lớn gồm cửa Ba Lạt, Lạch Giang, Hà Lạn, cửa Đáy và các bãi ngang. Có 2 tuyến sông giáp ranh gồm sông Hồng giáp tỉnh Thái Bình, sông Đáy giáp tỉnh Ninh Bình. Toàn tỉnh có 1 kênh giao thông chính là kênh Quần Liêu dài 3,5km; 1 cảng sông Nam Định và 1 cảng biển Thịnh Long. Hệ thống các cầu, phà lớn vượt sông gồm: cầu Tân Đệ vượt sông Hồng; cầu Đò Quan, cầu Nam Định vượt sông Đào; cầu Lạc Quần, Thịnh Long và cầu phao Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ. Ngoài các điểm vượt sông, trên các tuyến đường thủy chỉ có phương tiện chở hàng hóa và khai thác, đánh bắt thủy sản hoạt động. Đặc thù này đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) tuyến đường thủy trong mùa mưa bão, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh, bất thường.
Nhân
viên bến đò Mười, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) phát áo phao cứu sinh cho hành
khách
Để đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, ngay từ đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan thành viên và UBND các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú các phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; Luật Giao thông đường thủy nội địa kết hợp với công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trên tuyến đường thủy. Để chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống hiệu quả khi xảy ra các tình huống thiên tai, góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ, trong tháng 4-2022, Sở GTVT đã triển khai nhiều hoạt động như: xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) ngành GTVT năm 2022; tổ chức hội nghị triển khai công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ; đường thuỷ nội địa; thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão trên toàn hệ thống giao thông đường thủy do Trung ương quản lý và 267km sông địa phương. Đặc biệt là kiểm tra công tác PCTT tại các bến phà: Đại Nội trên tuyến Quốc lộ 21B; Đống Cao trên tuyến Quốc lộ 37B; Sa Cao - Thái Hạc trên đường tỉnh 489; cầu phao Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên tuyến Quốc lộ 37B… Sở GTVT yêu cầu kiên quyết đình chỉ hoạt động bến khi không đủ điều kiện an toàn như: Giấy phép hoạt động, đăng ký phương tiện, chứng chỉ người lái trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh, bảo hiểm đối với phương tiện... Đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chức năng của Sở có kế hoạch kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện đảm bảo ATGT trong mùa mưa bão đối với các bến vượt sông quan trọng. Đối với các bến khách ngang sông trọng điểm gồm: phà Sa Cao - Thái Hạc, phà Đống Cao, phà Đại Nội, cầu phao Ninh Cường yêu cầu các đơn vị quản lý phải có kế hoạch nạo vét âu dấu, nạo vét đầu bến; kiểm tra các biển báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa, hố thế, neo cáp, sửa chữa phao, phà, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ theo quy định, bổ sung phao cứu sinh, cáp dự phòng... Đặc biệt lưu ý mọi phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai phải được triển khai, chuẩn bị chu đáo, không lơ là, chủ quan, chú ý đến phương tiện, cơ sở vật chất, kiểm tra, sửa chữa kịp thời để sẵn sàng ứng phó, đảm bảo tuyệt đối an toàn khi mùa mưa bão đến và thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, để đảm bảo tuyệt đối ATGT đường thuỷ nội địa trong mùa mưa bão, Sở GTVT yêu cầu Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp chặt chẽ với các phòng chức năng, UBND các địa phương thực hiện tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đường thuỷ nội địa. Theo báo cáo của Sở GTVT, hiện nay toàn tỉnh có 129 bến thủy nội địa trên các tuyến sông Trung ương đã được cấp giấy phép hoạt động (60 bến giấy phép còn thời hạn, 69 bến hết thời hạn). Có 104 bến khách ngang sông, trong đó 52 bến giấy phép hoạt động còn hạn, 28 bến hết hạn, 14 bến dừng hoạt động. Thực hiện Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 28-1-2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa trong năm 2021 những tháng đầu năm 2022, Sở GTVT đã cấp mới giấy phép cho 1 bến thủy nội địa phục vụ thi công dự án Kênh nối Đáy - Ninh Cơ; gia hạn giấy phép 2 bến thủy nội địa và 15 bến khách ngang sông theo quy định của Nghị định số 08/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời Sở GTVT cũng chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông chủ động, thường xuyên kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải, an toàn kỹ thuật các bến khách ngang sông; phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Nam Định, Đội Thanh tra Đường thuỷ nội địa số 4 kiểm tra, hướng dẫn các chủ bến thủy nội địa khác trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ nội địa vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: việc cấp mới, cấp lại giấy phép hoạt động đối với các bến thủy nội địa còn chậm do chủ bến không hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 08/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể là hồ sơ chứng minh quyền sử dụng đất; việc quản lý bến sau cấp phép còn phụ thuộc vào ý thức chủ bến và các cơ quan khác (Cảnh sát Giao thông, Cảng vụ đường thủy nội địa Nam Định, Đội Thanh tra Đường thuỷ nội địa số 4), do vậy tính chủ động trong công tác tham mưu chưa thực sự tốt.
Để góp phần đảm bảo tuyệt đối ATGT đường thuỷ nội địa trong mùa mưa bão năm nay, thời gian tới, Sở GTVT chỉ đạo các phòng chức năng rà soát lại quy hoạch đường thủy nội địa trên địa bàn, qua đó đưa ra khỏi quy hoạch đối với các bến thủy nội địa trên sông Trung ương không đáp ứng yêu cầu về đất đai, về hành lang bảo vệ đê điều và hành lang an toàn đường bộ. Đồng thời hiệu chỉnh lại các lý trình bến theo lý trình sông nhằm thuận lợi cho công tác quản lý. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Nam Định, Đội Thanh tra Giao thông đường thủy nội địa số 4, Phòng Cảnh sát Giao thông và UBND các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ nội địa. Đối với các sông địa phương đã được công bố luồng tuyến cần rà soát bổ sung quy hoạch bến thủy nội địa; đề xuất nạo vét hoặc gia cố luồng tuyến đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Theo dự báo, mùa mưa bão năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh các biện pháp bảo đảm ATGT đường thủy đã và đang được các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tích cực triển khai; các chủ phương tiện và người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn có thể xảy ra. UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo kiểm tra điều kiện hoạt động các bến khách ngang sông; việc chấp hành thực hiện các quy định pháp luật về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện chở khách, đặc biệt chú trọng tại khu vực bến khách có đông người dân, trẻ em, học sinh tham gia qua lại hàng ngày; kiên quyết đình chỉ các bến khách ngang sông “ba không”: không phép, không đáp ứng các điều kiện về an toàn, không bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật. Các đơn vị liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa xây dựng kế hoạch phối hợp, tổ chức thực hiện các đợt kiểm tra liên ngành giải quyết các vấn đề gây mất trật tự ATGT đường thủy của tỉnh; tiếp tục rà soát thống kê các điểm đen tai nạn giao thông trên các tuyến đường thủy báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để xử lý./.
Nguồn : baonamdinh.com.vn