image banner
BẾN ĐÒ QUAN - KỶ NIỆM THEO CÙNG NĂM THÁNG
Lượt xem: 4624
anh tin bai

Bến nước quê tôi ai qua rồi chẳng nhớ,

          Nhớ tiếng còi tầm xôn xang trong lòng người thợ!

              Những lời ca da diết lắng sâu tình đất, tình người luôn thắp lên nỗi nhớ, tình yêu đối với những ai đã từng một lần qua nơi đy. Nhớ lại những năm tháng Ngành GTVT cùng với nhân dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu gay go, ác liệt chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Trên mảnh đất Nam Định, những địa danh như: Cầu Cổ (Cầu Non Nước), Cầu Tào, Cầu Họ, Cảng Nam Định, ga Núi Gôi, đường số 10, 21,... là những điểm máy bay Mỹ đánh phá dồn dập nhằm ngăn chặn các đoàn vận tải, triệt phá các kho hàng, bến bãi của ta.

                   Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, cán bộ và công nhân của Ngành GTVT Nam Định đã phát huy tinh thần dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo ra những biện pháp để phá thế độc tuyến, độc vận đảm bảo cho mạng lưới giao thông luôn cơ động thông suốt. Tại các trọng điểm giao thông, cán bộ, công nhân của ngành khắc phục mọi gian khổ, ngày đêm bám cầu, bám phà, bám đường với ý chí quyết tâm “Giặc phá một ta làm năm, làm mười, địch phá cầu này ta có ngay cầu khác, địch bắn phá bến phà này ta có ngay bến phà khác sang sông,...”

                   Để đảm bảo được giao thông thông suốt trong những năm từ 1965 - 1968, tỉnh Nam Định đã đào đắp được nhiều đường tránh bom đạn thay thế đường chính bị phá hủy, làm nhiều loại cầu phao với những chủng loại như: phao thuyền nan, cầu phao gỗ, cầu phao ghép từ vỏ đạn tên lửa (ban ngày nhấn chìm che mắt địch, ban đêm lại nổi đảm bảo giao thông). Tất cả đồng lòng thực hiện mục tiêu “địch đánh ta cứ đi”.

                   Tại trọng điểm Đò Quan tháng 10/1965 theo lệnh của trên được lắp đặt 01 cầu phao, sau khi tập kết vật tư các loại, suốt đêm 19 đến trưa ngày 20/10/1965, bằng sự nỗ lực của cán bộ, công nhân, chiếc cầu phao đầu tiên mang tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã nối liền hai bờ sông Đào, đảm bảo an toàn, kỹ thuật.

anh tin bai

Hình ảnh Cầu phao Đò Quan năm 1965

                Những tháng sau đó, cùng với cảng sông Nam Định, cầu phao Đò Quan liên tục trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.

                  Ngày 31/6/1966, bến phà Đò Quan bị địch đánh bom hủy diệt san bằng toàn bộ trụ sở bến. Trong trận này 01 quả bom đã rơi trúng hầm trú ẩn của bến phà, đồng chí Nguyễn Văn Nhân công nhân thợ rèn của bến, đồng chí Nguyễn Văn Bảng công nhân đường bộ hạt đường 21A trong khi làm nhiệm vụ đã anh dũng hi sinh.

                Vào đầu mùa lũ năm 1966, bến phà Đò Quan được chỉ thị của cấp trên chuẩn bị phục vụ tổ chức đảm bảo vượt sông cho một lực lượng xe cơ giới lớn, thời gian yêu cầu từ chập tối đến 4 giờ sáng phải xong. Sau đó phải xóa hết dấu vết của việc tổ chức vượt sông nhưng vẫn phải sẵn sàng để phục vụ vượt sông cho những đợt tiếp theo. Mệnh lệnh được phổ biến trước 03 ngày, anh em cán bộ công nhân của bến làm việc cật lực không quản ngày đêm và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Thực tế là bến phà Đò Quan lúc đó đã nhận một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là đảm bảo vượt sông cho 01 trung đoàn tên lửa và đoàn cao xạ pháo cỡ từ 57 lý đến 100 ly bảo vệ trung đoàn tên lửa. Cả 02 lực lượng này có hàng trăm xe các loại và đảm bảo bí mật, an toàn cuộc hành quân vượt sông trên đã sử dụng bến phà dân dụng Đò Quan. Cuộc vượt sông diễn ra đảm bảo an toàn tuyệt đối mặc dù lúc này bến phà chỉ có 72 công nhân, 5 nhân viên hành chính tài vụ và 2 cán bộ bến trưởng, bến phó.

                        Trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ (1965 - 1968) hệ thống cầu đường của Tnh qua bom đạn đánh phá đã bị xuống cấp, bị phá hủy nghiêm trọng. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính Tỉnh và sự giúp đỡ của Bộ GTVT, ngành GTVT tỉnh Nam Định đã khắc phục khó khăn, tập trung sửa chữa các tuyến đường, đặc biệt ngày 19/05/1970 đã tổ chức khánh thành thông xe cầu treo qua sông Đào nối trung tâm thành phố dệt với các huyện phía Nam của tỉnh.

                   Ngày 06/4/1972 tổng thống Mỹ Ních Sơn ra lệnh mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 bằng không quân và hải quân đánh vào miền Bắc. Cùng với các tuyến đường giao thông, nhà ga, bến cảng của Nam Định lại thêm một lần nữa hứng chịu những trận bom các loại của Đế quốc Mỹ. Vào hồi 13h30 ngày 12/5/1972 và 18h45 ngày 28/5/1972 máy bay Mỹ lẻn vào từ ca Đông, bắn rocket, ném bom cầu treo phía thành phố. Cầu treo bị sập xuống sông Đào. Trong đợt ném bom này bến phà Đò Quan bị đánh phá 17 lần trong tổng số 37 lần máy bay ném bom thành phố Nam Định. Khi cầu treo bị đánh bom sập, thì một lần nữa tập thể cán bộ công nhân bến phà Đò Quan lại hoàn thành một sứ mệnh lịch sử của mình, bám trụ trong bom đạn để đưa người và phương tiện vượt sông an toàn.

                   Đầu năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh hoạt động xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phòng Miền Nam tiến tới hòa bình dân chủ thống nhất Tổ quốc. Từ năm 1974 đến năm 1975 ngành GTVT Nam Định đã tập trung huy động tổng lực lượng lao động quên mình để hoàn thành khôi phục sửa chữa cầu treo đưa vào phục vụ thông tuyến nối thành phố Nam Định với 06 huyện phía Nam của tỉnh. Bằng sự nỗ lực cố gắng phi thường ấy, tháng 01/1975 cầu treo Đò Quan với chiều dài 200m, mặt nhựa bê tông cho Đoàn xe H10 và T30 qua cầu là cây cầu hiện đại nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Trong ngày vui thông cầu treo, năm tháng đã chép lại một thời kỳ lịch sử đặc biệt, một thời kỳ lịch sử hào hùng của Ngành GTVT nói chung và của ngành GTVT tỉnh Nam Định nói riêng. Mười năm bám đường, bám cầu, bám phà, các chiến sỹ GTVT đã không kể ngày đêm lăn lộn trong máu lửa chiến tranh, mưa bom, bão đạn của kẻ thù san đường, sửa cầu phà, vận chuyển hàng hóa, giữ vững mạch máu giao thông, đáp ứng mọi yêu cầu của cách mạng, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc, giành thắng lợi huy hoàng.

              Bước vào thời kỳ đổi mới trước yêu cầu phát triển KT-XH và đi lại của nhân dân, Tỉnh đã quyết định giao cho Ngành GTVT Nam Định lập dự án xây dựng cầu Đò Quan mới bắc qua sông Đào ngay tại vị trí bến phà Đò Quan lịch sử.

                     Ngày 19/3/1989 cầu Đò Quan mới được khởi công xây dựng, cây cầu dài 435m có nhịp dẫn bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, mặt cầu rộng 12,5m, trọng tải thiết kế H30, XB80. Sau bốn năm dồn sức xây dựng, ngày 24/7/1994 cầu Đò Quan mới - cây cầu có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - chính trị - xã hội ở địa phương đã được khánh thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui hân hoan của mọi tầng lớp nhân dân tỉnh nhà. Từ đây cầu Đò Quan gắn liền với hình ảnh một Thành Nam, thành phố bên bờ sông Đào, đánh dấu một mốc son về sự trưởng thành của ngành GTVT, về kỹ thuật xây dựng cầu vĩnh cửu.

anh tin bai

Lễ khánh thành cầu Đò Quan, vượt sông Đào năm 1994

               Ngày hôm nay, đứng trên cây cầu Đò Quan lịch sử nằm giữa trung tâm thành phố, nhìn lên phía thượng nguồn là cây cầu Tân Phong kiêu hãnh nơi ngã ba sông Hồng và sông Đào, nhìn về phía hạ lưu, xa xa là cây cầu Nam Định sừng sững vượt sông Đào nối liền tuyến đường vành đai bao quanh thành phố. Không bao lâu nữa, sẽ rất gần thôi thêm một cây cầu mới qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, sẽ được khởi công để kết nối đôi bờ góp phần hoàn thiện không gian phát triển của Thành Nam - Thành phố bên sông tươi đẹp.

anh tin bai

Phương án kiến trúc cầu Song Hào, vượt sông Đào

              Mỗi năm cứ mỗi độ thu về cùng hòa trong khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 02/9, mỗi cán bộ, công nhân lao động của ngành GTVT lại có thêm một niềm vui đón chào ngày truyền thống của Ngành. Những con đường, những cây cầu, những bến nước vẫn còn đó chứng kiến biết bao thay đổi của quê hương đất nước. Từ Thành Nam, từ “Bến Đò Quan - Bến nước quê tôi”... những người con yêu quý của quê hương vẫn tiếp nối truyền thống tự hào, đem tất cả trái tim và bầu nhiệt huyết, quyết tâm xây dựng và phát triển Ngành GTVT xứng đáng với nhiệm vụ “Đi trước mở đường”, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân giao phó./.

Nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập ngành Giao thông vận tải  (28/8/1945-28/8/2022),

Đinh Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GTVT 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
image banner

© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI NAM ĐỊNH

Trưởng ban biên tập: Ông Đinh Xuân Hùng - Giám đốc Sở

Địa chỉ: 384, Đường Điện Biên, TP Nam Định, Tỉnh Nam Định 

Điện thoại: 02283 849 692 - Fax: 02283 677 668

Email sogtvt@namdinh.chinhphu.vn - Website sogtvt.namdinh.gov.vn

Giấy phép số 03/GP-STTTT Ngày 23/10/2018 của Sở thông tin và truyền thông tỉnh Nam Định

Thiết kế bởi VNPT Nam Định

Chung nhan Tin Nhiem Mang