Thực hiện nghiêm quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện vận tải đường bộ
Để kiểm soát tình trạng xe ô tô kinh doanh vận tải vi phạm an toàn giao thông, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên (kể cả người lái), xe container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh của lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Việc thực hiện quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện vận tải phải hoàn thành trước ngày 1-7-2021. Tuy nhiên do dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết cho phép lùi thời gian xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định này đến hết ngày 31-12-2021.
Lực lượng
Thanh tra Giao thông (Sở GTVT) kiểm tra việc chấp hành quy định lắp đặt thiết bị
giám sát hành trình trên xe khách tại Bến xe Nam Định
Thời gian qua, Sở GTVT đã quyết liệt triển khai các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ lắp camera giám sát đối với xe ô tô kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Để lựa chọn và thực hiện lắp đặt camera giám sát lên phương tiện vận tải bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật theo quy định, Sở GTVT đã ban hành các văn bản khuyến nghị, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện. Theo đó, Sở GTVT yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ô tô lựa chọn camera giám sát đảm bảo các yêu cầu về phần cứng, phần mềm, đảm bảo dữ liệu hình ảnh từ camera giám sát... theo quy định tại các Điều 8, 9, 10, 13 của Thông tư số 12 và các quy định có liên quan. Khi thực hiện lắp đặt camera giám sát lên phương tiện cần đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn điện, phòng chống chạm, chập hệ thống điện trên xe; nguồn cấp điện cho hệ thống camera cần sử dụng đường cấp điện riêng, lấy trực tiếp từ nguồn ắc quy trên phương tiện (có bố trí cầu chì, thiết bị bảo vệ phù hợp) để không gây ảnh hưởng tới hoạt động của bất kỳ hệ thống tiêu thụ điện nào khác trên xe; dây dẫn điện cần được đi trong ống luồn dây điện chống cháy; phụ tải của hệ thống camera đảm bảo phù hợp với ắc quy trên xe. Sở GTVT yêu cầu Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh tăng cường tuyên truyền đến các hội viên yêu cầu triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát hành trình trên xe theo quy định. Đồng thời Hiệp hội cũng đảm nhiệm vai trò là cầu nối trong việc kết nối chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật giữa các thành viên Hiệp hội cũng như với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, nhằm đảm bảo việc triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát được thực hiện hiệu quả và đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện trong quá trình vận hành khai thác. Sở cũng chỉ đạo các Trung tâm Đăng kiểm phương tiện xe cơ giới chú ý kiểm tra việc lắp đặt hệ thống camera giám sát đối với các xe ô tô thuộc đối tượng bắt buộc phải lắp đặt khi phương tiện vào kiểm định và đưa ra khuyến cáo để lái xe, chủ phương tiện khắc phục, sửa chữa nếu phát hiện việc lắp đặt không phù hợp, đảm bảo an toàn. Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở việc thực hiện chủ trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện vận tải và các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành theo quy định. Giao Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác triển khai thực hiện của các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách; kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Sở chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vận tải trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, tính đến ngày 31-12-2021, toàn tỉnh có 1.222 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp đặt camera, trong đó có 729 xe đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân số xe chưa lắp là do năm 2021 hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, thực hiện các biện pháp giãn cách phòng chống dịch nên hoạt động vận tải ngừng trệ, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ đã phải cắt giảm số phương tiện hoạt động thường xuyên. Do đó, toàn tỉnh có 473 xe khách, xe buýt và xe hợp đồng từ 9 chỗ trở lên không hoạt động nên chưa lắp camera hành trình. Để thực hiện quy định của Chính phủ khi hoạt động vận tải từng bước khôi phục theo đà phục hồi kinh tế và chủ trương thích ứng linh hoạt ngày 6-1-2022, Sở GTVT đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải trên địa bàn cung cấp tài khoản, mật khẩu truy cập vào phần mềm dữ liệu hình ảnh từ camera trên phương tiện về Sở GTVT. Tiếp tục thực hiện việc lắp đặt camera đối với các xe còn lại, đảm bảo các phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đều gắn camera theo dõi hành trình như quy định. Phối hợp với các đơn vị cung cấp, lắp đặt camera thực hiện truyền dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên ô tô kinh doanh vận tải đường bộ về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chủ trương lắp camera giám sát hành trình đạt tiến độ theo lộ trình, Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền các quy định về việc lắp camera theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái kiên quyết thu hồi phù hiệu kinh doanh vận tải đối với các phương tiện thuộc diện bắt buộc lắp đặt camera nhưng không thực hiện. Giao Thanh tra Giao thông tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định. Sở cũng đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bắt buộc phải ngưng hoạt động do dịch bệnh như: Giảm thuế, khoanh nợ, miễn phí đường bộ… Đồng thời, Bộ GTVT cũng cần công khai các nhãn hàng, nhà cung cấp thiết bị camera giám sát hành trình bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn để đơn vị kinh doanh vận tải biết và thực hiện việc lắp đặt theo đúng yêu cầu./.
Nguồn : baonamdinh.com.vn